Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

VỆ SINH PHÒNG BỆNH CHO CẦY VÒI HƯƠNG (CHỒN HƯƠNG)



 - Nuôi Cầy vòi trong điều kiện nuôi nhốt chật hẹp cũng xảy ra dịch bệnh như tất cả các vật nuôi thông thường khác. Các bệnh thường gặp ở Cầy vòi: ỉa chảy, tụ huyết trùng, cầu trùng, phó thương hàn... Chúng ta cần phải nắm rõ những triệu chứng và cách phòng, điều trị cơ bản của những bệnh trên theo các tài liệu hướng dẫn, các sách thú y, cách sử dụng các thuốc kháng sinh cơ bản trong chăn nuôi heo, chó, mèo, dê... 

- Phòng bệnh: cách phòng bệnh tốt nhất là luôn giữ chuồng trại sạch sẽ khô ráo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, tránh gió lùa, nhất là gió tây và gió bấc. Do đó chuồng trại chúng ta nên che kín phía tây và phía bắc. Mùa lạnh nên che tất cả các phía giữ ấm chuồng trại, tránh gió. 

- Định kỳ bổ sung các vitamin, khoáng chất, vi lượng cho Cầy phát triển vì trong quá trình chăn nuôi ta cung cấp không đầy đủ các chất dinh dưỡng, thường khoảng mỗi tháng chúng ta bổ sung các men vi sinh, chất khoáng, vi lượng như: Ca, Mg, Cu, Fe... bằng các chế phẩm thú y, đá liếm nhằm bổ sung các chất thiếu hụt trong quá trình chăn nuôi. 

- Định kỳ sát trùng chuồng trại mỗi tháng 1 lần, có thể dùng các thuốc pha để phun trong thú y. Trong lúc chuồng trại xảy ra dịch bệnh thì vệ sinh, sát trùng chuồng trại tiến hành thường xuyên và nhiều hơn bình thường, có thể 1 tuần 2 lần phun sát trùng. Thời gian giao mùa dễ phát sinh dịch bệnh chúng ta có thể cho uống thuốc phòng các bệnh thường gặp như: tụ huyết trùng, thương hàn, cầu trùng... với liều lượng ghi trên vỏ bao bì, đặc biệt là lúc trời đang nắng chuyển sang mưa. Trong lúc chuồng trại đang xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là những bệnh có khả năng lây nhiễm cao, truyền bệnh qua đường hô hấp, tiêu hoá lúc chăm sóc và kể cả lúc vệ sinh, sát trùng cũng hết sức cẩn thận, nếu không vô tình chính người chăm sóc lại là tác nhân gây phân tán bệnh trong chuồng trại qua con đường tiếp xúc tay chân và dụng cụ chăm sóc, vệ sinh (găng tay, dụng cụ quét dọn, quần áo, giày dép... Theo kinh nghiệm chúng ta nên chăm sóc những con khoẻ mạnh trước và những con bị bệnh sau cùng, dụng cụ vệ sinh, trang phục cũng phải sát trùng sau khi chăm sóc hay tiếp xúc với khu vực đang xảy ra dịch bệnh, hạn chế qua lại khu vực chuồng trại đang xảy ra dịch bệnh. 

- Trong chuồng nên bỏ một ít rơm cỏ khô, nên cột thành từng bó treo trong chuồng có tác dụng rất tốt trong việc ngừa các bệnh về đường ruột. Thông thường nếu có sẵn trong chuồng khi đường ruột sắp có vấn đề chúng sẽ tìm nhai nuốt các thứ xơ thô, đôi khi còn nuốt cả giấy, bao nilông, sau đó chúng thải ra cùng với phân quét sạch đường ruột, đây là đặc tính tự nhiên của Cầy vòi. 

- Một điều bắt buộc phải thực hiện đầu tiên là bà con phải tự tìm hiểu tác dụng của một số loại thuốc, trong đó quan trọng nhất là kháng sinh hay dùng, nguyên tắc cơ bản trong sử dụng kháng sinh, chúng ta có thể xem các sách hướng dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo, chó mèo. Ngoài kháng sinh còn có các thuốc kích thích, hỗ trợ sinh sản, thuốc bổ, thuốc khử trùng, thuốc giải độc, thuốc hỗ trợ tim mạch, thần kinh... Một nguyên tắc cơ bản nhất và cũng quan trọng nhất trong sử dụng kháng sinh là phải sử dụng đúng liều ngay từ lần điều trị đầu tiên sau đó bệnh thuyên giảm có thể giảm số lần chích hằng ngày lại, tuyệt đối không làm ngược lại vì các virus, vi khuẩn sẽ kháng thuốc. Nếu điều trị 3 ngày không có dấu hiệu giảm bệnh ta phải đổi kháng sinh khác phù hợp hơn. Trong quá trình điều trị kháng sinh ta nên bổ sung thêm các loại thuốc trợ sức, vitamin nhằm tăng sức đề kháng mau khỏi bệnh. 

- Trong quá trình điều trị bệnh, nếu chúng ta dùng kháng sinh liều cao trong một thời gian dài tuy bệnh có khỏi nhưng có thể xảy ra các tác dụng phụ do kháng sinh gây ra. Đa số các kháng sinh nếu dùng trong thời gian dài có thể gây tuột men đường ruột, giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, ảnh hưởng đến bào thai gây sẩy thai trong quá trình mang thai (Streptomycin)... Do đó, trong quá trình điều trị bệnh bằng kháng sinh chúng ta nên bổ sung thêm men tiêu hoá, canxi, khoáng chất, các loại thuốc không có nguồn gốc kháng sinh trong điều trị rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy. Có thể sử dụng các loại thuốc dùng cho người nhằm giảm tác dụng phụ của kháng sinh, giúp cho Cầy mau chóng phục hồi sức khoẻ.


Lưu ý: các nội dung trên được tổng hợp trên các trang mạng chỉ mang tính chất tham khảo tổng quát cho người muốn tìm hiểu bước đầu, chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu có bất cứ hậu quả nào.

Để được tư vấn và có tài liệu hướng dẫn tốt nhất, quý anh chị có thể tham khảo tại cơ quan Kiểm Lâm địa phương hoặc liên hệ Trang Trại Cầy Vòi Hương Dũng Tín

Địa chỉ: 37 Liệt sỹ, thôn Phú Yên, Xã H'ra, huyện Mang Yang, Gia Lai

Google maps: https://goo.gl/maps/iaGmvyNM1zxWHWvm6

Điện Thoại: 0333.940.820 (Zalo)